Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2025
Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch 05 năm 2021 – 2025 trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội thế giới và trong nước dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia trên thế giới; biến động giá cả hàng hóa thế giới (xăng dầu, vàng,…), thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, Ngành Nông nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã nhận định, phân tích, nghiên cứu, xác định những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển từng lĩnh vực trong năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, trong năm 2025, Ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu tổng quát toàn Ngành, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Nông nghiệp phát triển nhanh, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Nông dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngành đề ra mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 3,0% – 3,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn giảm 0,5 – 1%.
Trên cơ sở đó, Ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững thông qua việc thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương và thúc đẩy hơp tác sản xuất theo chuỗi ngành hàng và liên kết giữa các vùng,…
Để đạt mục tiêu đề ra, Ngành Nông nghiệp đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung gồm: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao với các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản kiểm ngư, lâm nghiệp kiểm lâm, công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản sản xuất muối, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản; Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; Phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chiến lược phát triển Ngành; Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ và khuyến nông; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Kế hoạch cải cách hành chính, nâng cao lăng lực, hiệu quả quản lý Ngành; Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.
(Nguồn: khuyennongtphcm.vn)