Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau.
Hơn 1.000 thông báo về an toàn thực phẩm
Dù đạt được nhiều kết quả trong xuất khẩu nông – lâm – thủy sản nhưng năm 2024, các thị trường xuất khẩu của nước ta cũng liên tục có những thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) trong nhập khẩu nông – lâm – thủy sản.
Nói về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay: Chúng ta rất tự hào về nông nghiệp của Việt Nam, tuy nhiên, để vào được các thị trường khó tính là cả một vấn đề và quá trình nỗ lực. Chúng ta muốn xuất khẩu được thì không chỉ dựa vào số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng được theo các quy định của các thị trường. Có sản phẩm, chúng ta phải mất nhiều năm đàm phán và nỗ lực của nhiều đơn vị để đạt được các quy định của thị trường mới mở cửa, xuất khẩu được sản phẩm.
Tình hình xuất khẩu trong năm 2024, cũng như nhiều năm trước, chúng tôi đánh giá là xu thế chung của thế giới. Hầu hết thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như thị trường khác đưa ra nhiều quy định trong nhập khẩu sản phẩm. Không phải quy định nào cũng nghiêm ngặt, hoặc có nước cũng nới lỏng quy định… Nhưng làm sao chúng ta phải tiếp cận được các quy định về an toàn thực phẩm, đây là điều bắt buộc. Chính vì thế, WTO đã thành lập cả một ủy ban về an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2024, các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm, bình quân 1 ngày văn phòng SPS phải ra 3 thông báo, có thông báo hàng trăm trang. Quy định về dư lượng thuốc BVTV với các sản phẩm khác, như thanh long, cà phê… đều khác. Ví dụ, trong tháng 11/2024, Nhật Bản có tới 10 thông báo về thuốc BVTV, có loại thuốc giảm hoạt chất đến 10 lần. Tổng số thông báo, chủ yếu rơi vào các thành viên của WTO mà chúng ta đang có giao dịch như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có một số thay đổi.
Trước thay đổi đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định để chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ ngành, địa phương thực hiện ngay để đảm bảo đúng theo các quy định đưa sản phẩm xuất khẩu thuận lợi. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án SPS (Quyết định 2998/QĐ-BNN-CCPT), đến nay, hầu hết các địa phương đã vào cuộc kịp thời.
Dù yêu cầu của thị trường thay đổi nhưng chúng ta đã vào cuộc kịp thời. Hầu hết doanh nghiệp, nông dân đều đáp ứng được, chỉ có một số ít còn chưa tiếp cận, chưa nhận thức hết được nhưng đây là “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta cần phải tuyên truyền, tiếp tục vận động và yêu cầu các trường hợp này thay đổi để đáp ứng được các quy định trong sản xuất, xuất khẩu.
Chú trọng “sức khỏe” ngành
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), chúng ta đang gặp một số khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao thách thức tiêu chuẩn chất lượng. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.
Về phía chúng ta, do sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó là khả năng cạnh tranh về chi phí logistic, hạ tầng, kho lạnh. Thách thức lớn trong giai đoạn tới nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng “nóng”, có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng, thậm chí ngành hàng.
“Do đó, năm 2025, chúng ta không nên kì vọng quá vào sự tăng trưởng của ngành trái cây mà nên chú trọng tăng cường “sức khoẻ” của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng… Đã đến lúc không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch mấy chục phần trăm như những năm qua, mà chúng ta lại không để tâm rằng các đối thủ của chúng ta không đứng yên. Họ cũng luôn luôn cải thiện vị trí trên thị trường, cạnh tranh với Việt Nam. Do đó, về phía doanh nghiệp, cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường chứng nhận về trách nhiệm xã hội, môi trường…”, ông Hiếu cho hay.
Với lĩnh vực trồng trọt, những thách thức trong năm 2025, theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sẽ rất khó lường, nhất là vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu. Để chủ động ứng phó với những khó khăn như vậy, ngành trồng trọt sẽ luôn quan tâm, hướng dẫn sớm việc phòng ngừa. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2025, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ nặng hơn năm 2024.
Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các địa phương để cách báo, có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt trong công tác chỉ đạo sản xuất. Ngoài ra, các địa phương ở ĐSBCL sẽ tập trung vào triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030”. Đối với các cây trồng khác, cao su và cà phê sẽ thực hiện bằng được việc đáp ứng đầy đủ quy định chống phá rừng (EUDR) của châu Âu, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Trồng trọt sẽ có hướng dẫn đến các địa phương trong thời gian sớm nhất. Đối với nhóm cây ăn quả, các tỉnh miền Trung và phía Bắc sẽ tập trung kéo dài thời gian thu hoạch. Ngoài ra, tập trung sản xuất trồng trọt đối với các cây trồng phát thải thấp.
Phải lập được kỉ lục về chất lượng
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam chia sẻ: Thực lòng chúng tôi ở Văn phòng SPS rất lo lắng, chỉ mong mỗi ngày không có cảnh báo gì. Tuy nhiên, thực tế lại gần như thường xuyên có cảnh báo. Chúng ta đã đạt kỷ lục rồi, có sự đột phá nhưng làm sao để phát triển bền vững. Trái đất của chúng ta có sức chứa nhất định, không thể chạy mãi chạy mãi mà không biết điểm dừng ở đâu. Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau.
Đặc biệt, người nông dân – lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu chúng ta cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng. Về xu thế trong thời gian tới, chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp SPS khu vực ASEAN, SPS với Trung Quốc, SPS với Canada…
“Hầu hết các nội dung SPS đều ngày càng nâng cao, an toàn thực phẩm sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng nâng cao về chất lượng. Đây sẽ là xu thế tất yêu của thế giới. Hai chuyến tàu phải chạy song song với nhau, không thể khác được. Hy vọng năm 2025, xuất khẩu sẽ có nhiều cái mới nhưng quan trọng nhất là phải nâng cao được chất lượng”, ông Nam bày tỏ mong muốn.
(Nguồn: kinhtenongthon.vn)