Xuất khẩu trái cây Việt gia tăng tại nhiều thị trường trên thế giới

Trong nhiều năm gần đây, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thành công vào nhiều thị trường khó tính, vượt qua những hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe.

Trong dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay. Trong đó, riêng sản lượng nông nghiệp dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay, còn hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8 -10%.

Trong bức tranh tổng quan đó có những đóng góp tích cực từ mặt hàng trái cây. Việc được cấp phép xuất khẩu hoa quả tươi vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia và Nhật Bản… không chỉ đem lại nguồn thu mà còn góp phần khẳng định uy tín, chất lượng và vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Dịch bệnh khiến quý 1 năm nay trái cây xuất khẩu tuy giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc, nhưng đã có sự chuyển dịch khá tích cực sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Bên cạnh các loại trái cây chính có sự sụt giảm nhẹ, chuối, dừa và sầu riêng có mức tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng.

Ước tính, xuất khẩu chuối quý 1 đạt gần 30 triệu USD, tăng 143% và xuất khẩu sầu riêng đạt 5 triệu USD, tăng 424% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng dừa xuất khẩu, bao gồm dừa tươi và chế biến, đạt giá trị gần 13 triệu USD, có mức tăng trưởng vượt trội.

Tiềm năng xuất khẩu trái cây sang Australia

Dịch bệnh hơn 2 năm qua đã khiến các giao dịch thương mại quốc tế bị đứt gãy. Tuy nhiên, với những thị trường ưa chuộng các sản phẩm trái cây Việt, dịch bệnh cũng không làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, vượt qua hàng rào kỹ thuật để “mở cửa” thị trường này là thách thức lớn của trái cây tươi Việt Nam. Quá trình đàm phán để đưa một loại trái cây vào nước này thường kéo dài 5 – 10 năm.

Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 4 loại hoa quả tươi sang Australia gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long. Để trái cây Việt có mặt tại thị trường Australia đã khó, nhưng để khẳng định và định vị được thương hiệu trái cây Việt tại thị trường lớn nhất Châu Đại Dương này lại càng khó hơn.

Tháng 1 năm nay, lần đầu tiên 3 tấn bơ đông lạnh chất lượng cao từ vùng đất Tây Nguyên đã được xuất khẩu sang Australia với giá bán 7 AUD/kg (khoảng 120.000 đồng/kg).

Trước đó, sầu riêng đông lạnh Ri6 của Việt Nam cũng đã gây tiếng vang lớn khi liên tục cháy hàng tại chuỗi siêu thị, cửa hàng tại Australia.

Các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn hay vải đều trở thành mặt hàng được ưa thích tại “xứ sở chuột túi” và có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại.

“Cách đây khoảng 2 – 3 năm, sầu riêng Thái Lan bán rất nhiều, nhưng giờ sầu riêng Thái Lan không còn bán được nữa. Người ta ăn sầu riêng Việt Nam gần như là chính. Vì vậy, riêng cửa hàng này đã bán 2 – 3 tấn trong một tuần lễ. Còn thanh long đỏ của Việt Nam thì tiêu thụ rất mạnh. Trong 1 tuần lễ, cửa hàng này tiêu thụ khoảng 2 – 3 tấn, vì thanh long đỏ Việt Nam ngon, giá rẻ, còn thanh long đỏ của Australia giá rất đắt”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ shop Thanh Thiên, Springvale Fresh Market, Australia, cho biết.

Ngay trong tháng 3, hàng chục tấn thanh long Việt Nam đã được nhập khẩu vào thị trường Australia. Hiện tại, nhiều siêu thị của Australia đang bán thanh long Việt Nam với giá khoảng 200.000 đồng/kg.

Mặc dù Australia đang vào mùa thanh long và được bày bán tại các siêu thị, nhưng những đơn vị phân phối tại đây vẫn quyết tâm nhập khẩu thanh long Việt.

“Thương hiệu thanh long Việt Nam được biết đến nhiều hơn nhờ một số doanh nghiệp Việt đã hợp tác với nhà nhập khẩu Australia đóng gói lại sản phẩm. Khi đó sẽ có cả thương hiệu Việt Nam và thương hiệu địa phương của Australia trên sản phẩm trái cây Việt. Như vậy, 2 công ty của 2 quốc gia phối hợp với nhau để dựng thương hiệu cho nhau”, ông John Tryfopolous, Giám đốc xuất nhập khẩu đồ tươi Công ty Zaden, Australia, cho hay.

Để trái cây Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng Australia, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam cùng các doanh nghiệp nhập khẩu đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả, như chương trình “Hành trình thưởng thức sầu riêng” bằng ô tô cổ trên đường phố Sydney; sự kiện “giới thiệu và mời dùng thử sản phẩm” hay quảng bá trên mạng xã hội, tổ chức đấu giá trái cây…

“Đầu mùa vải, chúng tôi có chương trình đấu giá vải. 1 kg đầu tiên của năm đạt 3.000 AUD, được lên báo. Những thông tin này gây thiện cảm với khách hàng và họ rất ủng hộ”, ông Lý Hoàng Duy, Tổng Giám đốc Công ty 4way Fresh, chia sẻ.

Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, số lượng trái cây Việt Nam thâm nhập vào “xứ sở chuột túi” sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Trên thực tế, bên cạnh nghiên cứu kỹ thị hiếu người tiêu dùng, việc bảo đảm chất lượng; cải thiện bao bì, mẫu mã là cách giúp trái cây Việt tạo dựng thương hiệu bền vững tại cường quốc nông nghiệp như Australia.

Mở rộng xuất khẩu chuối Laba

Cùng những loại trái cây xuất khẩu thế mạnh như thanh long, xoài, vải…, ngành nông nghiệp cũng không ngừng đầu tư, mở rộng sản phẩm xuất khẩu để thâm nhập thị trường quốc tế. Trong đó, chuối Laba (chuối Tiến Vua) đang được trồng nhiều tại Tây Nguyên được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng.

Với sản lượng mỗi năm khoảng 2,3 triệu tấn, Việt Nam đang phấn đấu trở thành nơi có nguồn cung cấp chuối lớn cho thị trường quốc tế. Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm chuối Laba của Hợp tác xã (HTX) Laba Banana Đạ K’Nàng đã chinh phục được thị trường Nhật Bản và đang mở rộng sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc với sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng hơn 7.000 tấn.

 

Với thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng, năm 2021, HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đã vận động nông dân chuyển đổi khoảng 50 ha diện tích cà phê già cỗi sang trồng chuối Laba, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết.

“Nếu mình không có cây giống thì họ cũng cung cấp cây giống, thiếu cái gì, cần cái gì thì mình cũng có thể gọi hợp tác xã, người ta hỗ trợ kỹ thuật, đưa người vào hướng dẫn kỹ thuật làm cho cây chuối đẹp hơn”, anh Bàng Hải Luyên, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, cho biết.

“Hợp tác xã hướng dẫn chăm sóc từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, ví dụ chăm sóc phân, thuốc, bao buồng định hình, định nải cho nó đạt”, bà Võ Thị Thu, Phó Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, chia sẻ.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng, HTX Laba Banana Đạ K’Nàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gần 1.000 tấn chuối Laba chất lượng cao, đồng thời cung ứng đa dạng các sản phẩm chuối Laba cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

“Đối với địa phương, đặc biệt là chính quyền xã cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và mời các đơn vị tư vấn cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến cho bà con về hiệu quả và năng suất, cũng như là chất lượng của chuối Laba xuất khẩu sang nước ngoài”,ông Lê Đình Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, cho hay.

Không chỉ giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, mà chuối Laba ở xã Đạ K’Nàng đang ngày càng khẳng định được giá trị thương hiệu, chinh phục nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh xuất khẩu quả vải vào Mỹ

Trái cây nhiệt đới Việt Nam có mặt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Australia, Mỹ hay Nhật Bản là một sự thành công lớn, nhưng làm gì để duy trì và giữ vững những thị trường này? Một dẫn chứng từ quả vải tươi. Những năm gần đây, quả vải tươi của Việt Nam liên tục được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Singapore… với giá cao.

Riêng tại Mỹ, dù là thị trường rất hứa hẹn, nhưng hiện đa phần người dân nước này đều không quen thuộc với các loại trái cây nhiệt đới, trong đó có quả vải. Phóng viên Đài THVN thường trú tại Mỹ đã tìm hiểu ý kiến của doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

“Ở thị trường Mỹ, quả vải tươi chưa được thông dụng lắm. Theo tôi biết trong nội địa, ví dụ như ở Florida, vải chất lượng gần như vải thiều của mình giá khoảng 8 USD/pound. Vải từ Mexico hay Nam Mỹ có giá dao động từ 4 – 6 USD/pound. Còn vải từ Việt Nam vận chuyển sang bên này theo đường hàng không, mình phải bán với giá 17 – 18, có lúc tới 20 USD/pound. Do đó, mình rất khó cạnh tranh với họ về trái vải tươi. Theo tôi nghĩ, chắc chỉ có một con đường là mình cạnh tranh với họ về trái vải chế biến. Trái vải chế biến hầu như bên này chưa có. Vì bên này, số lượng vải tươi họ sản xuất ra chỉ đủ để dùng thử qua, chứ họ không có nhiều để chế biến. Tại sao mình có nhiều, mình không chế biến từ Việt Nam, sau đó từ từ vận chuyển sang bằng đường thủy, rẻ hơn. Ở đây họ chưa có nhiều, mình làm như vậy sẽ cạnh tranh được với họ”, ông Tony Trần, Giám đốc Global Communication Services Enterprise, Bang New Jersey, Mỹ, nhận định.

“Trái cây Việt Nam, chẳng hạn như là quả vải, hầu hết có một ưu điểm là thơm, ngon, đạt được hai đặc tính là mùi, vị. Đây là nhận xét của rất nhiều khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam nằm ở vùng địa lý gió mùa nhiệt đới, nóng ẩm, nắng nhiều. Do vậy việc canh tác trồng trọt và bảo quản sau thu hoạch còn gặp không ít khó khăn. Để nâng cao sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ cần lưu ý một số điểm. Thứ nhất là phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Thứ hai, phải đảm bảo nghiêm túc các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, xuất xứ, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhập khẩu. Để có thể cập nhật được các thông tin mới nhất, tránh phát sinh những vướng mắc không cần thiết, có thể trao đổi thông tin qua doanh nghiệp đối tác hoặc qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ. Thứ ba là cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam đến rộng rãi khách hàng Mỹ, đặc biệt là với khách hàng gốc Âu, vốn không biết nhiều về trái cây nhiệt đới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ, đánh giá.

Những gợi ý trên đối với quả vải cũng phù hợp với những loại trái cây khác của Việt Nam, hiện đang được xuất khẩu. Cuộc sống của người nông dân chắc chắn sẽ thay đổi nếu việc xuất khẩu trái cây ổn định và mang lại giá trị cao.

(Nguồn: VTV.vn)