Bắc Giang kêu gọi bốn phương đến thu mua vải thiều
Ngày 25/5/2022, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố và các bạn quốc tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế.
Trong đó có 60 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong nước; 1 điểm cầu tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; 6 điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam, tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc; 4 điểm cầu tại Nhật Bản; 1 điểm cầu tại Australia, 1 điểm cầu tại Singapore, 2 điểm cầu tại Thái Lan, 1 điểm cầu tại Dubai.
VẢI VIETGAP CHIẾM 54% TỔNG DIỆN TÍCH TOÀN TỈNH
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2022, diện tích vải thiều toàn tỉnh duy trì 28.300 ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, giảm khoảng 40.000 tấn so với năm 2021. Trong đó, vải chín sớm 6.750 ha, sản lượng ước đạt 60 nghìn tấn; vải thiều chính vụ diện tích 21.250 ha, sản lượng ước đạt 120 nghìn tấn.
Phát biểu chiêu thương tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang , cho biết tỉnh luôn coi trọng tất cả các thị trường gồm cả trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, ngay từ đầu vụ vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: Megamart, GO!, Coopmart, các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cả nước.
“Năm 2022, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 112.900 tấn, chiếm 62,7% tổng sản lượng vải; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1 nghìn tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích 269,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn”.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.
Ngoài tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Singapore… Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Tỉnh Bắc Giang cũng quan tâm đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các Sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage, Face book, Zalo…
Đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều Bắc Giang, trong đó có nhiều thương nhân trong nước và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước Đông Nam Á, EU, Thái Lan…
Để tạo thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều, ông Tuấn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện công tác sản xuất, chế biến nông sản, vải thiều đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Phối hợp hướng dẫn tỉnh Bắc Giang thực hiện quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm; thông tin về hàng rào kỹ thuật và các điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều vào các thị trường nước ngoài.
Với Bộ Công Thương, ông Tuấn đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ giới thiệu và kết nối các các doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu vải thiều trong và ngoài nước đến tỉnh Bắc Giang tìm hiểu, hợp tác, tiêu thụ trái vải tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều; hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các Sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
DOANH NGHIỆP, ĐỐI TÁC HƯỞNG ỨNG TIÊU THỤ VẢI THIỀU
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc Công ty JV Solutions, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều tại điểm cầu Thành phố Tokyo (Nhật Bản), chia sẻ năm 2022 là năm thứ 3 Công ty đồng hành đưa vải thiều Bắc Giang vào thị trường Nhật Bản.
“Vải thiều là loại trái cây được mong đợi nhất vào mùa hè hằng năm tại Nhật Bản. Với thế mạnh về độ ngọt và hương thơm của trái vải Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là tiền đề tốt cho lợi thế cạnh tranh giữa vải Việt Nam và vải từ các nước khác khi vào Nhật”, Ông Thoàn nhận định.
“Từ cách đây 2-3 tháng, các đơn vị nhập khẩu đã bắt đầu lên kế hoạch chào bán đến khách hàng, lên kế hoạch nhập hàng cho chuyến đầu tiên. Tuy nhiên, năm nay Nhật Bản áp dụng quy định kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản từ Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước thận trọng, thu mua vải thiều chất lượng cung cấp đến người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc Công ty JV Solutions, Nhật Bản.
Theo ông Jose Mestre, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, Central Retail sẽ dành những vị trí đẹp nhất trong hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trưng bày trái vải Bắc Giang, đồng thời áp dụng hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm đặc biệt hấp dẫn.
“Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, bộ phận bán hàng tại các siêu thị của Central Retail sẽ tiến hành live stream bán vải nhằm tiếp cận nhiều “tệp” khách hàng hơn. Chú trọng vào việc trưng bày tại các cửa hàng và bảo đảm chất lượng vải khi bày bán tại siêu thị”, ông Jose Mestre cho hay.
Bà Trần Thị Thu Trang, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan, từ điểm cầu thành phố Bangkok, cho biết trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan – đầu mối là Thương vụ sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng định hướng phát triển thị trường dài hạn đối với mặt hàng vải thiều tại Thái Lan, chuyên nghiệp hóa phương thức tiếp cận, cách thức tiếp thị phù hợp với từng phân khúc khách hàng mục tiêu.
Đồng thời, phối hợp cùng các doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ hàng đầu tổ chức các chương trình tuần hàng gồm nhiều hoạt động quảng bá vải thiều sinh động, tăng tính tương tác với khách hàng, góp phần tăng trải nghiệm và khuyến khích tiêu dùng.
Theo đại diện Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), thời gian gần đây, năng lực thông quan tại các cửa khẩu hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng dần lên, tạo nền móng cho giao lưu thương mại và xuất nhập khẩu thời gian tới. Để tránh ùn tắc, bảo đảm chuỗi cung ứng thương mại xuyên biên giới, thời gian tới hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ.
Cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, cho biết sẽ chỉ đạo quyết liệt, hết sức cụ thể từng nhóm vấn đề các đại biểu quan tâm như đảm bảo an toàn thực phẩm, vấn đề bảo quản, môi trường, tạo luồng xanh cho vải thiều…
“Tỉnh Bắc Giang quyết tâm thực hiện phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ vải thiều; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả kênh phân phối thương mại điện tử; thực hiện linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để đảm bảo phòng chống dịch”, ông Lê Ánh Dương khẳng định
Sau hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2022 trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng online và Lễ cắt băng xuất hành vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.