Thực trạng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh

Thực trạng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý quan trọng với hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển thuận lợi, là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng trong 10 năm qua hoạt động xuất khẩu tăng trưởng không cao (dưới 10%/năm); cơ cấu chuyển dịch chậm và chịu tác động của biến động kinh tế toàn cầu như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008; nợ công Châu Âu 2010 – 2012, gần đây là xung đột kinh tế Mỹ – Trung. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được một vài kết quả nhất định được chỉ ra trong số liệu thống kê của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Hiện thành phố có nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD như máy tính,linh kiện điện tử đạt 10 tỷ USD; dệt may đạt 4,2 tỷ USD; giày dép 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ đạt 1,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là các mặt hàng đặc sản tại các địa phương lân cận như Đông Nam bộ và Tây Nguyên với rau, củ, quả, hạt; Đồng Bằng Sông Cửu Long với thủy hải sản. Các ngành hàng cơ khí, điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh (22,5%/năm) thì phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, chủ yếu gia công lắp ráp linh kiện nhập siêu từ nước ngoài.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 từ 2,5% đến 3%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 là 2 – 2,5%/năm. Trên cơ sở dữ liệu thực tế dự báo, và kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Thành phố Hồ Chí Minh là 44,5 tỷ USD, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đến 2025 là 9,5% tương đương 70 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đến năm 2030 đạt 9%, hay kim ngạch xuất khẩu năm 2030 của Thành phố sẽ làt 108 tỷ USD.
 
Như vậy, hoạt động xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần phát huy những thế mạnh vốn có như lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông (như cảng biển, sân bay), nguồn nhân lực dồi dào, các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Thành phố cũng vướng phải một số hạn chế nhất định như tính liên kết vùng còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, chịu sự chi phối về nguồn nguyên liệu và biến động của thị trường quốc tế, thiếu chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư FDI.
 
Trên cơ sở các đề tài nghiên cứu và các hội thảo khoa học, Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án định hướng hoạt động xuất khẩu đến năm 2030 lấy chất lượng tăng trưởng xuất khẩu làm nền tảng, hướng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để nâng cao thu nhập cho người lao động, duy trì nguồn thu ngân sách bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu theo hướng Thành phố là trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, tập trung vào dịch vụ, các loại hàng hóa chất lượng cao; đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận để phối hợp sản xuất theo hướng chuyển dịch phù hợp với lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; cân đối hài hòa giữa các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, nâng cao kim ngạch và đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm và thu ngân sách của Thành phố. Đề án cũng định hướng nhiệm vụ xuất khẩu đến năm 2030 là nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa như điện tử, cơ khí, chế tạo, tự động, quang học, đặc biệt chú ý đến các sản phẩm công nghệ, nội dung số và xuất khẩu dịch vụ; Chuyển dịch các nhóm ngành truyền thống sang các vùng lân cận, áp dụng tự động hóa để đổi mới quy trình tăng năng suất lao động, giảm bớt lao động thủ công; Đầu tư phát triển các nhóm ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, logistics, áp dụng công nghệ thông tin đổi mới quy trình, cải cách thủ tục hành chính cho lĩnh vực xuất khẩu tương ứng với phát triển đô thị thông minh; Đồng thời, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên về cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, lao động có tay nghề cao phục vụ cho lĩnh vực xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Giai đoạn 2020 đến cuối 2021, mặc dù Thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu nhưng do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế Thành phố trong những năm qua đều giảm so với năm 2020. Ước tính cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 43.896,9 triệu USD, giảm 1,0% so với năm 2020; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 41.975,4 triệu USD, giảm 1,6% so với năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xuất qua cảng thành phố bao gồm cả dầu thô, năm 2021 đạt 40.298,6 triệu USD, chiếm 91,8% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 9.368,2 triệu USD, giảm 10,8% so với năm 2020 và chiếm 23,2% tỷ trọng xuất khẩu. Kế đến lần lượt là Hoa Kỳ đạt 6.671,0 triệu USD, tăng 0,2% và chiếm 16,6% tỷ trọng xuất khẩu; Hong Kong đạt 3.992,6 triệu USD, tăng 21,9% so với năm 2020 và chiếm 9,9% tỷ trọng xuất khẩu; Nhật Bản đạt 2.469,4 triệu USD, giảm 11,9% và chiếm 6,1% tỷ trọng xuất khẩu; và EU đạt 5.083,9 triệu USD, giảm 0,5% và chiếm 12,6% tỷ trọng xuất khẩu.
 
(Nguồn: tổng hợp từ nhiều nguồn)