Tăng tốc xuất khẩu nông sản
Trong đó, nhiều ngành hàng tiếp tục bứt tốc với kim ngạch xuất khẩu cao, như: rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều đạt 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà-phê đạt 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%.
Không chỉ kim ngạch xuất khẩu, giá bán nhiều mặt hàng cũng tăng cao mức kỷ lục, nhất là gạo có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn, còn giá trung bình tám tháng là 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, cà-phê cũng giữ giá ở mức cao, trung bình 2.455 USD/tấn, tăng 8,5%. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chỉ còn nửa tháng nữa là hết quý III/2023 cho nên kết quả của tám tháng đầu năm như bàn đạp để toàn ngành nông, lâm, thủy sản tăng tốc xuất khẩu thời gian tới. Thực tế, các ngành hàng đều đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Ðối với xuất khẩu gạo, con số 4 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu cả năm không còn quá xa vời khi Ấn Ðộ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, khiến nhu cầu gạo trên thị trường thế giới tiếp tục ở mức cao. Ngành rau quả cũng tiến ngày càng sát mốc kỳ vọng 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Tám tháng đầu năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng đã đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD; trong khi Mỹ cũng vừa có văn bản thông báo cho phép Việt Nam xuất khẩu trái dừa vào thị trường này, mở ra cơ hội cho ngành sản xuất và xuất khẩu dừa – một thế mạnh của nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Hay như cà-phê, giá xuất khẩu cà-phê trong tháng 7/2023 của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sự chênh lệch giá ngày càng lớn giữa cà-phê Arabica và Robusta, giữa cà-phê Robusta của Việt Nam với các nước sản xuất khác sẽ là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu mặt hàng này thời gian tới, nhất là khi thị hiếu tiêu dùng tại các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đang dần chuyển sang cà-phê Robusta.
Ðể tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức Hội nghị Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhằm đưa ra các giải pháp quản lý, giám sát tốt hơn nữa hoạt động này, bảo đảm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của tất cả các thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương theo dõi sát sao tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, biến động giá cả, nhất là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới để linh hoạt trong điều hành xuất khẩu.
(Nguồn: nhandan.vn)